T2, 12 / 2020 4:27 Chiều | Đức Tin Jesus

Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022
Mỗi tháng một
hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (9)

Đức Giê-su Ki-tô
ĐƯỜNG THINH LẶNG
(Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 9 năm
2020)

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng Tám vừa
qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức
Giê-su Ki-tô – Đường Thánh Thiện.
Tháng Chín này, chúng ta cùng nhau suy niệm
chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Thinh Lặng.
Hành trình dương thế của Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng Người vừa là
Thiên Chúa, Đấng Thinh Lặng, vừa là Lời Thiên Chúa và là Đường Thinh Lặng của
Thiên Chúa giữa dòng đời. Sự thinh lặng mà chúng ta đề cập trong bài viết này
chủ yếu không phải là sự thinh lặng môi miệng, mà là sự thinh lặng tâm hồn, đặc
biệt, tâm hồn hiệp thông với Thiên Chúa.

Trong Kinh Thánh
Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh thốt lên: “Trời
xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người
làm”
(Tv 19,2). Quả thật, thế giới thụ tạo và mặc khải Kinh Thánh cho
chúng ta biết rằng thinh lặng là một cách nói của Thiên Chúa hay ngôn ngữ của
Người là ngôn ngữ thinh lặng. Từ buổi ban đầu Thiên Chúa sáng tạo cho đến hôm
nay và tới thời cánh chung, Thiên Chúa nói bằng lời quá ít so với Thiên Chúa
nói bằng sự thinh lặng. Như thế, sự thinh lặng của Thiên Chúa cũng có giá trị
như Thiên Chúa nói bằng lời vậy. Do đó, con người không chỉ quan tâm đến cách
truyền thông của Thiên Chúa qua những gì Thiên Chúa nói và làm trong dòng lịch
sử, mà còn qua sự thinh lặng của Người nữa.

Nhiều lúc, con
người cảm thấy Thiên Chúa thinh lặng như thể ‘ngoảnh mặt làm ngơ’ trước những
thảm họa thiên nhiên, đặc biệt, trước đau khổ, bất công, bạo lực, chết chóc của
con người. Thực ra, Thiên Chúa không thinh lặng như con người lầm tưởng. Người
luôn tỉnh thức, bởi vì, Người ‘không bao giờ ngủ’, “Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành”
(Tv 121,4). Người thinh lặng không có nghĩa Người không hiện diện, không hoạt động.
Người luôn hiện diện, luôn hoạt động theo ‘thì’ của Người chứ không theo ‘thì’
của chúng ta. Con người thường mong muốn đường lối của Thiên Chúa giống đường lối
của mình. Tuy nhiên, để hòa nhịp được với chương trình Thiên Chúa, đúng hơn,
con người cần uốn nắn đường lối của mình theo đường lối của Thiên Chúa.

Hình ảnh Dân
Do-thái rong ruổi bốn mươi năm trong sa mạc là bài học lớn cho chúng ta về sự
thinh lặng, hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Đối với sự hiểu biết của con
người, sa mạc là nơi không ai muốn đến, bởi vì, sa mạc thiếu nguồn nước, bóng
cây, sức sống. Thế nhưng, từ sa mạc, Thiên Chúa đã biểu dương quyền năng và
tình yêu đối với Dân Người. Sa mạc là nơi cằn cỗi, chết chóc, lại là nơi Thiên
Chúa hiện diện và hoạt động cách mãnh liệt nhất. Điều đó cho chúng ta nhận thức
rằng nơi con người bị yếu thế nhất, bất lực nhất, khổ đau nhất lại là nơi Thiên
Chúa biểu dương tình yêu và quyền năng của Người. Nơi con người cho rằng ‘vắng
bóng Thiên Chúa’ lại là nơi Thiên Chúa hiện diện để cứu giúp họ.

Nhờ tin tưởng vào
Thiên Chúa và trung thành với sứ mệnh Người giao phó, trong cơn hoạn nạn, ngôn
sứ Ê-li-a phải chạy trốn vua A-kháp và những người của vua. Ê-li-a đi bốn mươi
đêm ngày lên núi Khô-rếp, núi của Thiên Chúa và nghỉ lại trong một cái hang.
Nhiều biến cố ồn ào xảy ra trên núi, chẳng hạn như gió to, bão lớn, động đất, lửa
cháy, nhưng Thiên Chúa không xuất hiện trong các biến cố đó. Tuy nhiên, khi có
‘tiếng gió hiu hiu’ hay ‘tiếng thì thào êm nhẹ’, Ê-li-a đã được ‘diện kiến’
Thiên Chúa và được trao sứ mệnh tiếp tục chương trình của Người. Điều này ngược
với nhãn quan chung của các dân tộc Trung Đông thời đó cho rằng thần thánh hiện
diện trong những biến cố ồn ào, náo động. Qua sự gặp gỡ với Thiên Chúa, Ê-li-a
nhận ra rằng sứ mệnh của mình còn gặp nhiều bất trắc, đau khổ, nhưng luôn được
sự nâng đỡ, phù trì của Người.

Trong Cựu Ước,
tác giả sách Khôn Ngoan viết: “Khi vạn
vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời
cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can
trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt, mang theo bản án không thể hủy của
Ngài như lưỡi gươm sắc bén”
(Kn 18,14-15). Thiên Chúa thinh lặng,
trong môi trường vĩnh cửu, Thiên Chúa chỉ có một Lời thôi, Lời đó chính là Đức
Giê-su Ki-tô. Nhờ Người và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa tạo dựng muôn vật
muôn loài và khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã ‘nói Lời đó’ trong
môi trường thế giới thụ tạo. Lời đã làm người và ở giữa chúng ta (Is 7,14; Ga
1,1-18).

Giáng Sinh là biến
cố thinh lặng. Ngôi Lời đến thế gian trong đêm tối, trong thinh lặng. Người đã
không xuất hiện ‘ồn ào’ ở Giê-ru-sa-lem hay nơi phố phường đông đúc, nhộn nhịp,
vội vã nào đó của đất nước Do-thái, nhưng đã xuất hiện ‘kín tiếng’ ở Bê-lem quê
mùa. Lời bài hát nổi tiếng nhất trong dịp Giáng Sinh diễn tả rất đúng về Biến Cố
này: Đêm thinh lặng, đêm thánh thiện, tất
cả an bình
(silent night, holy night, all is calm). Sự thinh lặng của Biến
Cố Giáng Sinh là sự thinh lặng linh thiêng, sự thinh lặng nhiệm mầu, sự thinh lặng
ban ơn cứu độ. Sự thinh lặng này giúp cho những ai thao thức tìm Người có thể
nghe được lời chỉ dẫn để đến gặp Người.

Chúng ta nhận thức
rằng đặc tính chung của mọi người trong Gia Đình Na-da-rét là thinh lặng. Thánh
Giu-se thinh lặng, Đức Ma-ri-a thinh lặng, Đức Giê-su thinh lặng. Sự thinh lặng
của Thánh Gia diễn tả sự thinh lặng của Gia Đình Thiên Chúa. Kinh Thánh Tân Ước
chỉ có ‘7 lời’ của Đức Ma-ri-a (Lc 1,34; Lc 1,38; Lc 1,40; Lc 1,46-55; Lc 2,48;
Ga 2,3; Ga 2,5). Còn thánh Giu-se thì các tác giả Kinh Thánh Tân Ước không ghi
lại lời nói trực tiếp nào của ngài. Đặc tính duy nhất diễn tả thánh Giu-se là
‘công chính’. Trong bối cảnh Kinh Thánh, người công chính cũng chính là người
thánh thiện, người thinh lặng, người luôn kết hợp với Thiên Chúa và thực thi
thánh ý Người.

Đức Ma-ri-a không
chỉ thinh lặng, mà còn ‘ghi nhớ những điều đó và suy đi nghĩ lại trong lòng’,
nghĩa là trong môi trường thinh lặng (Lc 2,19.51). Sự thinh lặng của Đức
Ma-ri-a chính là ‘sự thinh lặng cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa’. Đức
Ma-ri-a đã học được ngôn ngữ Thiên Chúa và nói chuyện với Người bằng ngôn ngữ
này. Sự thinh lặng của Đức Ma-ri-a là sự thinh lặng thánh thiện, bởi vì sự
thinh lặng của Đức Ma-ri-a đồng nghĩa với việc suy niệm Lời Chúa, yêu mến Thiên
Chúa, phụng thờ Thiên Chúa, tin tưởng vào Thiên Chúa, hy vọng vào Thiên Chúa,
phó thác đường đời cho Thiên Chúa và ngạc nhiên trước mặc khải của Thiên Chúa
trong công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.

Thánh Giu-se là
người có đời sống thinh lặng đặc biệt. Khi được tin Đức Ma-ri-a, bạn đời của
mình mang thai và chắc chắn rằng đó không phải là con ruột của mình, ngài có ý
định lìa bỏ Đức Ma-ri-a cách kín đáo, cách thinh lặng. Tuy nhiên, trong giấc
mơ, sứ thần truyền tin cho thánh Giu-se và trao ban sứ mệnh đón Đức Ma-ri-a về
nhà mình. Không như những trường hợp khác, chẳng hạn, việc truyền tin cho Đức
Ma-ri-a hay truyền tin cho Da-ca-ri-a đều diễn ra khi các ngài thức tỉnh, còn
thánh Giu-se thì được truyền tin trong giấc mơ, trong thinh lặng. Tuy nhiên,
thánh nhân đã trung tín thực thi thánh ý Thiên Chúa. Đức Giê-su được sinh ra và
lớn lên với sự chăm sóc âm thầm và cần mẫn của thánh Giu-se. Như Đức Ma-ri-a,
thánh Giu-se luôn ở lại với Thiên Chúa, lắng nghe Lời Thiên Chúa, tin tưởng vào
Lời Thiên Chúa, hiệp thông với Lời Thiên Chúa và thực thi Lời Thiên Chúa cách
trung tín nhất. Đặc biệt, thánh nhân đắm chìm trong mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống
thế làm người và giữ vai trò quan trọng trong chương trình kỳ diệu này.

Người ta thường
nói rằng ‘con nhà tông không giống lông cũng giống cánh’. Đức Giê-su là Thiên
Chúa, Đấng Thinh Lặng, tuy nhiên, trong thân phận con người, Đức Giê-su cũng học
hỏi được đời sống thinh lặng từ Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Cuộc đời trần thế
của Đức Giê-su là cuộc đời thinh lặng. Ngoại trừ Biến Cố Giáng Sinh và sự việc
xảy ra lúc Người mười hai tuổi ở Giê-ru-sa-lem, chúng ta không biết gì nữa về
thời thơ ấu của Người cho đến khi Người bắt đầu sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Trước
các biến cố lớn trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su luôn dành thời
gian thinh lặng và cầu nguyện. Người đã vào sa mạc ăn chay, cầu nguyện và chịu
ma quỉ cám dỗ bốn mươi đêm ngày. Sự kiện này gợi lên cho chúng ta biến cố Dân
Do-thái rong ruổi trong sa mạc bốn mươi năm. Thay vì thinh lặng để đón nhận và
thực thi thánh ý Thiên Chúa, họ đã nhiều lần to tiếng, than trách và phản nghịch
chương trình Thiên Chúa. Trong khi đó, Đức Giê-su thinh lặng để gặp gỡ Thiên
Chúa Cha, thinh lặng để nhận ra sứ mệnh của mình, thinh lặng để đón nhận sức mạnh
chống trả ma quỉ, thinh lặng để cảm nhận sự đau khổ của thân phận con người,
thinh lặng để nhận ra những bất cập gây nên bởi ‘sự ô nhiễm tiếng ồn’ trong xã
hội loài người do tội lỗi gây nên.

Không nơi nào
trong Tin Mừng cho thấy rằng Đức Giê-su dùng ‘quá nhiều lời’ khi giảng dạy dân
chúng. Người dùng lời vừa đủ cho người nghe. Có những điều Người không giải
thích dài dòng, nhưng dùng dụ ngôn để có thể giảm thiểu lời nói. Thánh Mác-cô
trình thuật: “Người dùng nhiều dụ
ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không
bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn”
(Mc 4,33-34). Có những
lúc sau khi giải thích, Đức Giê-su nói với những người lắng nghe: “Ai hiểu được thì hiểu” (Mt
19,12). Rõ ràng, trong hành trình rao giảng, Đức Giê-su đề cao việc thinh lặng,
lắng nghe và phân định của thính giả.

Khi Đức Giê-su chữa
người vừa điếc vừa ngọng ở miền Thập Tỉnh, Người truyền cho những người chứng
kiến không được kể lại chuyện đó (Mc 7,31-36). Tương tự như vậy, sau khi biến
hình trên núi Ta-bo, từ trên núi xuống, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến
khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”
(Mt 17,1-8). Câu hỏi đặt ra là tại
sao Đức Giê-su lại nói với các môn đệ như vậy? Thưa, tại vì Đức Giê-su muốn con
người hiểu đúng hơn về sứ mệnh của Người giữa lòng nhân thế. Người muốn tất cả
đều thinh lặng cho đến khi toàn bộ sự thật về chương trình dương thế của Người
được biểu lộ cách trọn vẹn trong khổ nạn, chịu chết và phục sinh của Người. Người
cũng muốn các môn đệ hiểu rằng một lời nói mà không hiểu được ý nghĩa, một lời
tuyên xưng đức tin mà không đi kèm hành động và lối sống phù hợp, thì đó chỉ là
những tiếng kêu trống rỗng, không chuyển tải sự thật.

Thánh Mát-thêu
trình thuật rằng khi Đức Giê-su đi về miền dân ngoại (địa hạt Tia và Xi-đôn,
ngày nay ở phía Nam đất nước Li-băng), một người phụ nữ Ca-na-an xuất hiện và
xin Đức Giê-su trừ quỉ cho con gái của bà. Tuy nhiên, ban đầu, Đức Giê-su thinh
lặng, không trả lời sự khẩn cầu của người phụ nữ. Sau đó là cuộc đối thoại ngắn
và Đức Giê-su đã tán dương bà: “Này
bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”
(Mt 15,28). Niềm tin và sự kiên nhẫn của bà đã được
đền đáp bằng việc con bà được chữa khỏi. Như vậy, sự thinh lặng của Đức Giê-su
đã đem lại hiệu quả lớn lao, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ
và niềm tín thác của người phụ nữ được củng cố. Đọc Tân Ước, chúng ta có được
nhận thức chung rằng, sau sự thinh lặng, Đức Giê-su thường mặc khải những điều
lớn lao, kỳ diệu để cứu giúp mọi người.

Câu chuyện Đức
Giê-su cho La-da-rô hồi sinh đáng để chúng ta quan tâm. Khi nghe tin La-da-rô,
người được Đức Giê-su thương mến bị đau nặng, Người đã không trực tiếp đến thăm
viếng ngay. Người đã thinh lặng trước cái chết của La-da-rô, còn La-da-rô thì
thinh lặng trong mộ. Khi Người tới thì La-da-rô đã được chôn trong mộ bốn ngày,
đã ‘nặng mùi’ rồi. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã làm cho La-da-rô hồi sinh trước sự
ngỡ ngàng của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a cũng như những người thân thuộc. Sự
thinh lặng, sự chậm trễ của Đức Giê-su được xem như chuẩn bị cho mặc khải lớn
lao là hồi sinh kẻ chết. Trong biến cố này có bốn điểm quan trọng đáng để chúng
ta quan tâm: (1) tình yêu của Đức Giê-su, (2) quyền năng của Đức Giê-su, (3)
căn tính của Đức Giê-su là ‘sự sống lại và là sự sống’ (Ga 11,25), và (4) niềm
hy vọng vào sự sống vĩnh cửu của mọi người được diễn tả và củng cố.

Trong vườn Ghết-sê-ma-ni,
chúng ta thấy hai cảnh thinh lặng: (1) Đức Giê-su và (2) các môn đệ. Đức Giê-su
‘thinh lặng cầu nguyện’, còn các môn đệ thì ‘thinh lặng ngủ nghỉ’. Chúng ta có
thể gọi hai hình thức thinh lặng này là ‘thinh lặng siêu nhiên’ (Đức Giê-su) và
‘thinh lặng tự nhiên’ (các môn đệ). Cũng trong vườn Ghết-sê-ma-ni, thinh lặng
siêu nhiên đưa đến sự tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa Cha và kết hợp với Người. Đức
Giê-su đã thưa lên với Thiên Chúa Cha: “Lạy
Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con,
mà làm theo ý Cha”
(Lc 22,42). Quả thật, trong thân phận con người, Đức
Giê-su cảm nhận được sự cô đơn, đau khổ tột bậc. Nhưng Người luôn tin tưởng và
vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha và đã trở nên căn nguyên cứu độ tất cả mọi người.

Thánh Lu-ca trình
thuật rằng trong cuộc khổ nạn, khi Đức Giê-su bị bắt, “một người tớ gái nhìn Phê-rô chòng chọc và nói: Cả bác này cũng
đã ở với ông ấy đấy! Ông liền chối: Tôi có biết ông ấy đâu, chị!”
(Lc
22,56-57). Sau đó, một người khác nữa cũng quả quyết rằng Phê-rô ở với Đức
Giê-su, Phê-rô chối phăng. Khi người thứ ba khẳng định Phê-rô ở với Đức Giê-su,
Phê-rô vừa chối xong thì gà gáy. Đó là hệ quả của sự ‘thinh lặng tự nhiên’ từ
phía các môn đệ trong vườn Ghết-sê-ma-ni. Sau đó, Đức Giê-su quay lại nhìn
Phê-rô và Phê-rô nhớ lại lời Đức Giê-su: “Hôm
nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”
(Lc 22,61). Phê-rô
đã ăn năn hối cải. Thánh Lu-ca không cho chúng ta biết ánh mắt của hai người
sau có nhìn Phê-rô ‘chòng chọc’ như người tớ gái đầu tiên hay không, nhưng ánh
mắt của những người đó đã làm cho trái tim của Phê-rô loạn nhịp và Phê-rô đã chối
Thầy mình. Tuy nhiên, khi ánh mắt thinh lặng, ánh mắt nhân từ, ánh mắt tha thứ,
ánh mắt trái tim của Đức Giê-su hướng về Phê-rô, vị tông đồ đã ăn năn hối cải.
Từ đây, Phê-rô đã trung thành với ơn gọi và sứ mệnh của mình cho đến lúc bị
treo ngược trên thập giá và tử đạo tại Rô-ma. Đây là hệ quả của sự ‘thinh lặng
siêu nhiên’ xuất phát từ sự kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su.

Tam Nhật Vượt Qua
luôn là thời gian đặc biệt, thời gian quan trọng nhất, thời gian đỉnh điểm, thời
gian trung tâm diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Trước cái chết,
Đức Giê-su cảm nhận được sự thinh lặng nhiệm mầu của Thiên Chúa. Đức Giê-su đã
thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên
Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?
” (Mt 27,43). Với cái chết, Đức
Giê-su đã xuống vực thẳm thinh lặng rùng rợn nhất của thân phận con người. Đức
Giê-su đã tham dự vào sự thinh lặng đau thương của tất cả mọi người trong gia
đình nhân loại. Người thông phần với sự thinh lặng này để ban ơn cứu độ cho tất
cả mọi người. Như vậy, sự thinh lặng kỳ diệu nhất của Đức Giê-su trong hành
trình nhân thế là sự thinh lặng trong nấm mộ. ‘Vị Thiên Chúa chết’, đó là sự kiện
không những không thể tưởng tượng nổi đối với những người Hy-lạp hay Do-thái,
mà còn không thể tưởng tượng nổi đối với tất cả mọi người trong các nền văn hóa
từ cổ chí kim. Hôm nay, ‘Vị Thiên Chúa chết’ vẫn còn là nỗi ám ảnh cho biết bao
người. Quả thực, nếu cuộc đời Đức Giê-su chỉ tới đó thì không còn gì để nói nữa.
Tuy nhiên, Người đã tiêu diệt sự chết, Người đã sống lại. Sự chết mạnh, nhưng sự
thinh lặng của Đức Giê-su trong sự chết còn mạnh hơn. Sự chết mạnh, nhưng tình
yêu Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giê-su còn mạnh hơn. Sự chết mạnh, nhưng
sự sống lại của Đức Giê-su còn mạnh hơn. Sự chết mạnh, nhưng tiếng nói cuối
cùng của con người và muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo không phải là
tiếng nói của sự chết, nhưng là tiếng nói của Đấng Phục Sinh, Đấng Thinh Lặng,
Đấng Hằng Sống. 

Những gì Đức
Giê-su nói và làm trong hành trình dương thế minh chứng rằng Người từ Thiên
Chúa mà đến, Người là Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người thường quan tâm đến nhân
tính của Đức Giê-su hơn là thần tính của Người. Thần tính của Người hầu như
‘thinh lặng’, ẩn dấu, bởi vì trong mọi sự, Đức Giê-su đều qui hướng về Thiên
Chúa Cha, chứ không phải bản thân mình. Giáo Hội sơ khai cần đến gần năm thế kỷ
để có được định tín cách đầy đủ hơn về Đức Giê-su, Thiên Chúa thật và con người
thật với Công Đồng Can-xê-đô-ni-a (Chalcedon, 451). Những khai triển và học hỏi
về Đức Giê-su vẫn tiếp tục trong khi Đức Giê-su vẫn thinh lặng.

Trong cuộc sống hằng
ngày, chúng ta ngạc nhiên trước những gì mắt chúng ta thấy được, tai chúng ta
nghe được và lòng chúng ta cảm nghiệm được. Chúng ta ngạc nhiên trước những
khám phá của con người về những qui luật trong vũ trụ. Chúng ta ngạc nhiên trước
những gì mà thế giới tự nhiên ban tặng để con người sống xứng đáng với phẩm giá
của mình. Tuy nhiên, những gì mắt chúng ta không thấy, trí và tâm chúng ta
không thể đụng chạm hay cảm nghiệm được lại còn kỳ diệu hơn. Chẳng hạn, có những
hình thức tồn tại khác trong thế giới thụ tạo này mà con người không thể nào
vươn tới hay giải thích được trong điều kiện hiện tại, chẳng hạn như năng lượng
tối (dark energy) hay vật chất tối (dark matter). Bản chất đích thực của ‘năng
lượng tối là gì?’ hay ‘vật chất tối là gì?’, chưa ai có thể biết và diễn tả
cách đầy đủ được. Điều mà con người biết được là: Nếu không có năng lượng tối
và vật chất tối thì vũ trụ khả giác, vũ trụ vật chất, vũ trụ cấu tạo bằng những
‘viên gạch nguyên tử’ không thể tồn tại được. Quả thật, những gì ‘vô hình trong
thế giới thụ tạo’ luôn dồi dào và kỳ diệu hơn những gì hữu hình mà con người có
thể cân đong đo đếm hay giải thích. Nói cách khác, ‘những gì thinh lặng’ thì kỳ
diệu hơn, mạnh mẽ hơn, siêu việt hơn ‘những gì ồn ào’. Trong thế giới thụ tạo,
con người có thể cảm nghiệm được rằng ‘thinh lặng là đỉnh cao của âm thanh’.
Trong thinh lặng của tâm hồn và không gian, con người có thể nghe được tiếng
nói của lương tâm, tiếng nói của vũ hoàn và tiếng nói của Đấng Sáng Tạo.

Trong lĩnh vực
khoa học, nhiều trường hợp cho thấy những khám phá về các quy luật thiên nhiên,
hoặc các phát minh kỳ diệu, lại là hệ quả của tiến trình thinh lặng. Câu chuyện
Isaac Newton thấy trái táo rơi và đã khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn là câu chuyện giúp chúng ta hiểu được tầm
quan trọng của thinh lặng. Chắc rằng Newton đã thinh lặng, đã tìm hiểu, đã ưu
tư nhiều về sự thinh lặng của muôn vật muôn loài trong vũ trụ. Việc Newton khám
phá ra định luật vạn vật hấp dẫn là hiệu quả, là hoa trái của tiến trình lâu
dài, chứ không chỉ là sản phẩm của ngạc nhiên, may rủi. Nếu Newton không thinh
lặng, không chú tâm đủ thì không bao giờ có được hoa trái mỹ mãn như vậy. Nhìn
chung, những khám phá, sáng chế từ các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác
nhau đều đến từ những người có khả năng đi vào thế giới thinh lặng. Như vậy, những
người biết thinh lặng, biết chuẩn bị mới có thể đọc được những gì xảy đến cách
bất ngờ.

Chúng ta không chỉ
được mời gọi lắng nghe tiếng nói của người này, người kia mà còn được mời gọi lắng
nghe ‘tiếng nói của thinh lặng’. Đặc điểm của các thánh trong lịch sử Giáo Hội
là thực thi đời sống thinh lặng. Nói cách khác: Những người thánh thiện cũng là
những người thinh lặng [sự thinh lặng của tâm hồn hiệp thông với Thiên Chúa] và
ngược lại. Nhờ thinh lặng, các ngài có được kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và diễn
tả kinh nghiệm gặp gỡ đó bằng lời nói và hành động thánh thiện của mình. Đọc hạnh
các thánh tử đạo, ai cũng ngạc nhiên về sự thinh lặng, sự bình an của các ngài
khi phải đối diện với cái chết. Chúng ta cần ý thức rằng để có được sự thinh lặng,
sự bình an như vậy, các ngài đã thực thi đời sống thinh lặng, đời sống bình an.
Nói cách khác, các ngài đã chuẩn bị cho sự thinh lặng, sự bình an trước cái chết
bằng cuộc đời thinh lặng, cuộc đời bình an gắn kết mật thiết với Đức Giê-su, Đường
Thinh Lặng, Đường Bình An, được Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại.

Theo gương Đức
Giê-su, các nhà thần bí (mystics) là những người có kinh nghiệm đặc biệt về môi
trường thinh lặng. Họ nhận ra rằng đời sống thinh lặng là đời sống lý tưởng để
họ gặp gỡ Thiên Chúa và thỉnh vấn ý Người. Các ngài đã trở nên mẫu gương sống động
cho chúng ta về sự hoán cải và qui hướng về Thiên Chúa, chẳng hạn như thánh
Gio-an Tẩy Giả, Tê-rê-xa A-vi-la, Gio-an Thánh Giá. Họ là những nhân chứng mạnh
mẽ nhất cho sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, cũng như tình yêu của Người.
Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta nói: “Hoa
trái của thinh lặng là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là niềm tin, hoa
trái của niềm tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ, hoa trái của
phục vụ là bình an.”
Như vậy, thinh lặng là khởi đầu cho những hiệu quả
tốt lành: Cầu nguyện, đức tin, tình yêu, phục vụ, bình an. Thực ra, theo một
nghĩa nào đó thì ‘bình an’ cũng có nghĩa là ‘thinh lặng’ hay nói cách khác, môi
trường bình an cũng là môi trường thinh lặng và ngược lại. Như vậy, ‘thinh lặng’
vừa là khởi đầu, vừa là kết thúc, vừa là khởi đầu mới.   

Thinh lặng là điều
kiện cần thiết để chúng ta nhận ra Thiên Chúa, nhận ra bản thân mình. Trong tác
phẩm Tự Thuật, thánh Au-gút-ti-nô viết: ‘Thiên
Chúa thân mật với tôi hơn tôi với chính mình’
(Deus est intimior intimo
meo) hay ‘Thiên Chúa sâu thẳm trong tôi hơn tôi với chính mình và cao cả trong
tôi hơn tôi với chính mình’
(Deus est interior intimo meo et superior summo
meo). Chắc chắn rằng, nhờ thinh lặng, thánh nhân đã có được kinh nghiệm quí giá
đó và ngài đã truyền lại cho tất cả mọi người. Sứ điệp mà ngài muốn gửi đến là:
Khi con người càng gần Thiên Chúa bao nhiêu, thì càng gần chính mình bấy nhiêu
và ngược lại.

Người ta kể lại rằng
trong đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), quân lính Đức lùng bắt tất cả
những người Do-thái và tống vào các trại tập trung. Ở đây, họ phải chịu nhiều
hình thức cực hình cho đến chết. Có một cô gái trẻ Do-thái thoát được và trốn
trong một cái hang. Khi người ta tìm thấy xác cô, họ cũng phát hiện trên bức tường
của hang đó cô gái viết mấy câu: “Tôi
tin có mặt trời, ngay cả khi nó không chiếu sáng. Tôi tin vào tình yêu, ngay cả
khi tôi đơn độc. Tôi tin vào Thiên Chúa, ngay cả khi Người thinh lặng.”

Với cô gái Do-thái này, khi con người không thấy mặt trời, không có nghĩa là mặt
trời không hoạt động. Khi con người đơn độc, không có nghĩa là tình yêu không
hiện hữu. Tương tự như thế, khi Thiên Chúa thinh lặng không có nghĩa là Người
không hành động.

Thinh lặng, lời
nói và hành động được xem là ba cột trụ căn bản trong đời sống con người. Trong
đó, thinh lặng đóng vai trò quan trọng nhất. Thinh lặng chính là căn nguyên, là
nền tảng và là môi trường khởi xuất lời nói và hành động. Nếu con người không
có được sự thinh lặng đúng nghĩa, con người cũng không thể nói năng và hành động
đúng được. Như vậy, vấn đề chính yếu mà chúng ta cần quan tâm là luôn tạo sự
hòa hợp giữa thinh lặng, lời nói và hành động. Trong trường hợp không thể, ưu
tiên phải là thinh lặng. Tuy nhiên, khi sự lên tiếng hay hành động của chúng ta
đem lại bình an, sự thật, sự lành thì chúng ta cần phải thực thi. Còn người nào
chỉ có nói mà không hành động tốt, thì họ không phải là người môn đệ thực thụ của
Đức Giê-su (Mt 7,21-27). Thánh Phao-lô viết: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như
lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại
và chủ tâm dạy dỗ”
(2 Tm 4,2).

Người Ni-giê-ri-a
có câu ngạn ngữ: “Hãy lắng nghe và bạn
sẽ nghe được bước chân của những con kiến.”
Chúng ta học hành và luyện
tập nhiều thứ để chuẩn bị cho cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta ít luyện tập cho
mình khả năng thinh lặng. Ai không có khả năng thinh lặng, người đó cũng không
có khả năng lắng nghe tiếng lòng mình, và cũng không thể lắng nghe tiếng Thiên
Chúa, bởi vì tiếng Thiên Chúa đến với những tâm hồn thinh lặng. Hơn nữa, thinh
lặng là điều kiện cần thiết giúp chúng ta phân biệt đâu là tiếng Thiên Chúa và
đâu là tiếng của ác thần. Tiếng Thiên Chúa thường là tiếng mời gọi sống bác ái,
hoán cải, hướng tới sự lành. Tiếng ma quỉ thường là tiếng xui khiến, rủ rê,
chia rẽ, tạo nghi ngờ lẫn nhau, đặc biệt, nghi ngờ về tình yêu Thiên Chúa hay sự
hiện diện và hoạt động của Người.

Năng lực thinh lặng
diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của chúng ta không phải tự nhiên mà có,
trái lại, chúng ta cần không ngừng vun đắp mỗi ngày. Chúng ta cần tạo cho mình
khả năng thinh lặng hơn là khả năng ồn ào, khả năng lắng nghe hơn là khả năng
gào thét, khả năng thông cảm hơn là khả năng chỉ trích, khả năng nhìn nhận những
điều tốt nơi người khác hơn là khả năng ‘vạch lá tìm sâu’ nơi họ, khả năng giúp
người khác biến đổi hơn là khả năng trù dập, khả năng cởi mở hơn là khả năng
đóng kín, khả năng trút bỏ hơn là khả năng sở hữu. Để có được những khả năng
đó, chúng ta không có con đường nào khác ngoài Đường Thinh Lặng của Đức Giê-su.

Trước khi bước
vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng họ ở giữa thế gian nhưng
không thuộc về thế gian (Ga 15,18-19). Câu hỏi đặt ra là làm sao các môn đệ có
thể không thuộc về thế gian được? Câu trả lời là các môn đệ ở giữa thế gian với
muôn vàn tiếng động, tuy nhiên, các ngài có được sự thinh lặng hay sự bình an của
Đức Giê-su, bình an mà thế gian không thể ban tặng (Ga 14,27). Tâm hồn các ngài
được liên kết mật thiết với Đức Giê-su. Nhờ đó, các ngài vững tâm giữa muôn vàn
bấp bênh, khốn khó và đau khổ của cuộc đời. Đồng thời, các ngài trở nên khí cụ
hữu hiệu trong việc loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng
loại.

Đường của Đức
Giê-su là Đường Thinh Lặng, Đường giúp chúng ta gặp gỡ chính mình, gặp gỡ anh
chị em chúng ta, gặp gỡ muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo, đặc biệt, gặp
gỡ Thiên Chúa. Để đi Đường đó, chúng ta được mời gọi thinh lặng để chiêm ngắm Đức
Giê-su trong máng cỏ, chiêm ngắm Đức Giê-su trong lúc trốn sang Ai-cập, chiêm
ngắm Đức Giê-su trong Gia Đình Na-da-rét. Chúng ta được mời gọi thinh lặng để
chiêm ngắm Đức Giê-su trong sa mạc bốn mươi đêm ngày, chiêm ngắm Đức Giê-su cúi
xuống với những người bệnh tật, bị quỉ ám và muôn hình thức đau khổ khác, chiêm
ngắm Đức Giê-su trên núi Ta-bo. Chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm Đức Giê-su
trên thập giá, chiêm ngắm Đức Giê-su chịu chết và chịu mai táng trong mộ, chiêm
ngắm Đức Giê-su phục sinh vinh hiển. Đặc biệt, chúng ta được mời gọi thinh lặng
để chiêm ngắm Đức Giê-su Thánh Thể, chiêm ngắm Đức Giê-su khi chia sẻ Lời Chúa,
chiêm ngắm Đức Giê-su trong anh chị em mình.

Qua những gì được trình bày trên đây, chúng ta có thể xác quyết rằng
Thiên Chúa là Đấng Thinh Lặng và Đức Giê-su đã đi Đường Thinh Lặng để đến với
gia đình nhân loại. Cuộc đời Người trong hành trình trần thế đặt nền tảng trên
sự thinh lặng. Là Thiên Chúa trong thân phận con người, Đức Giê-su trở nên mẫu
gương cho chúng ta về đời sống thinh lặng, cầu nguyện, vâng phục, tin tưởng, lắng
nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Trong Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su luôn hiện
diện với tất cả chúng ta. Giữa cảnh ồn ào, náo động của thế sự, Người luôn mời
gọi tất cả chúng ta hãy đi Đường Thinh Lặng của Người để chúng ta có thể đạt được
sự hòa hợp giữa các yếu tố trong đời sống cá nhân, hòa hợp với anh chị em, hòa
hợp với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo, và đặc biệt, hòa hợp với
Thiên Chúa.

WHĐ (1.9.2020)