T6, 11 / 2017 7:39 Chiều | Đức Tin Jesus

Năm 1964, tỉnh dòng Phaolô Mỹ Tho được thiết lập, tách ra từ Sài Gòn. Xuôi về đồng bằng, gắn đời mình với những con người lao động nghèo, các chị em hội dòng đã có nhiều đóng góp ý nghĩa cho cư dân miệt sông nước.

Trụ sở chính của nhà dòng đặt tại thành phố Mỹ Tho, cạnh nhà thờ Chánh tòa cổ kính. Tính đến tháng 8.2017, dòng có hơn 230 nữ tu, phục vụ tại 29 cộng đoàn địa phương thuộc các địa phận Mỹ Tho, Long Xuyên, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Nguyện đường và trụ sở tỉnh dòng (ảnh: Hùng Luân)

PHỤC VỤ LÀ HẠNH PHÚC

Nhắc đến các nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres, điều không thể không nhắc tới là việc mục vụ dành cho trẻ khuyết tật. Hầu hết các tỉnh dòng Phaolô tại Việt Nam đều có các trường khuyết tật, trung tâm dạy nghề, trung tâm trị liệu cho các dạng khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển. Tại Mỹ Tho có mô hình trường khuyết tật Nhân Ái. Ra đời năm 2004, do các nữ tu trực tiếp quản lý và chăm sóc, ngôi trường đã trở thành địa chỉ tin cậy của các gia đình có trẻ không may bị khiếm khuyết.

Nữ tu Maria An Hạ, người gắn bó với trường từ khi mới thành lập, cũng là hiệu phó cho biết, năm học 2017 – 2018, cơ sở có 143 học sinh, được chia thành 11 lớp. Trong đó gồm 10 lớp chuyên sâu dành cho trẻ khiếm thính, 1 lớp đặc biệt điều trị cho trẻ chậm phát triển. “Ðến với chúng tôi, có những bé rất đáng thương vì vừa bị tật nguyền lại bị ba mẹ bỏ rơi hoặc sinh ra trong nghèo túng. Ðối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường tạo nhiều điều kiện hơn để đỡ đần phần nào gánh nặng nuôi các bé. Các sơ giúp chi phí sinh hoạt, đồ dùng học tập, miễn giảm học phí”. Không chỉ giảng dạy về kiến thức văn hóa mà còn chăm lo phát triển nhiều kỹ năng, kết hợp điều trị, nên các chị tại trung tâm phải đảm đương rất miệt mài, dầu vậy, được phục vụ, ở bên các em là hạnh phúc của đời hiến dâng. “Càng tiếp xúc, càng nhận ra các bé dễ thương. Chúng tôi biết sứ mạng mà mình dấn thân là điều ý nghĩa. Các bé học tập, sinh hoạt với bè bạn nên rất dạn dĩ, năng động, nhưng chính sự tật nguyền làm cản trở rất nhiều, nhiều khi bé muốn bày tỏ tình cảm mà không tỏ bày được. Nhìn các em nhỏ vật lộn với những khó khăn của bản thân, chúng tôi đồng cảm, muốn gắn bó, giúp đỡ hơn nữa”, nữ tu An Hạ tâm tình.

Như những người mẹ, các nữ tu luôn sát cánh cùng trẻ khuyết tật

Cùng trong dòng chảy này, về miền cực Nam, trung tâm Nhân Ái thuộc giáo xứ Cà Mau cũng là nơi các chị em hội dòng hiện diện dấn thân. Suốt 8 năm kể từ thành lập, trẻ tật nguyền, kể cả những em xuất thân từ gia đình không Công giáo, là đối tượng được các chị chăm sóc. Hiện tại, trường vẫn nhận học sinh nội trú, do các bé có hộ khẩu từ nhiều nơi. Số lượng con em được gởi đến cũng ngày càng tăng. Riêng năm học này có hơn 60 em thuộc nhiều dạng khiếm thính, chậm phát triển,…

Tại tỉnh Kiên Giang, cơ sở bảo trợ xã hội Mỹ Lâm do các nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres tỉnh dòng Mỹ Tho phụ trách, hoạt động với bề dày 20 năm cũng là trung tâm được dày công chăm chút.

Các nữ tu trong một lễ khấn dòng

NHỮNG ƯỚC MONG

Ðối với người sống đời dâng hiến, những khát khao, suy tư có lẽ phần nhiều dành cho tha nhân. Các nữ tu Phaolô cũng không ngoại lệ. Ðến các trung tâm, mái ấm, trường khuyết tật…, điều dễ bắt gặp nhất là hình ảnh nữ tu cao tuổi, lưng khom… nhưng lại rất tháo vát. Mọi việc liên quan đến các em kém may mắn đều có sự trợ giúp của các dì. Tại trường Nhân Ái Cà Mau, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các nữ tu chăn nuôi gà vịt, trồng trọt hoa màu… để bán ra chợ, góp nhặt từng đồng phụ vào việc nuôi dạy các bé. Chưa bao giờ trong câu chuyện dài về trung tâm, chúng tôi thấy các chị để lộ nỗi lo lắng, dù là vô tình. “Nhiều năm đồng hành với trẻ khuyết tật, tôi nhận thấy trước hết phải giúp các em sinh hoạt bình thường. Hầu hết đều có những năng khiếu, sự nhạy bén, nên người đồng hành phải tạo điều kiện để trẻ bộc lộ được khả năng ấy. Vì thế, chúng tôi cố gắng giúp các em có thể phục hồi chức năng, từng chút một và có nghề nghiệp như may vá thêu thùa, làm thủ công. Có nghề, may ra các em sau này có thể nuôi sống mình…”, đó là nỗi trăn trở của nữ tu Têrêsa Dương Thị Hiền, phó giám đốc Trường khuyết tật – Mồ côi Nhân Ái, Cà Mau, và cũng là niềm thao thức chung của các chị đang dấn thân trong việc thiện nguyện này.

Tình yêu thương, sự hy sinh của các dì dành cho tha nhân thật đáng khâm phục. Về Kiên Giang, ghé kênh 7, thăm Mái ấm Tình Mẹ – cơ sở bảo trợ xã hội ra đời suốt 7 năm nay do các nữ tu hội dòng phụ trách, để thấy những khắc khoải của các chị. Từ những ngày đầu thành lập, mái ấm có 3 sơ quản lý, chăm sóc trẻ mồ côi. Hiện tại trung tâm đang nuôi dạy 26 em, độ tuổi từ mầm non đến phổ thông trung học, em lớn nhất đang học lớp 12, còn bé nhỏ nhất vừa tròn 2 tuổi. Một số trong các em mất cả cha lẫn mẹ, số khác sống với ông bà. Rồi khi tuổi cao sức yếu, các cụ không đủ sức lo cho cháu, trung tâm nhận về nuôi. Cũng có trẻ lại là nạn nhân từ cuộc hôn nhân gãy đổ của người lớn… Tất cả đều được gọi về chung vui dưới một mái nhà mang tên Tình Mẹ. “Trung tâm cũng cố gắng đào tạo nghề cho các bé, nam thì phụ làm nước đóng chai, nữ dệt thảm. Việc giáo dục nhân bản cho các em là điều cần thiết hơn cả. Sống tại mái ấm, ngày nào các bé cũng được đến nhà thờ đi lễ, rồi học giáo lý, sinh hoạt với thiếu nhi trong xứ đạo. Mọi thứ ngày càng đi vào nền nếp”, nữ tu Phạm Thị Ngọc Thế, phục vụ tại mái ấm chia sẻ.

Trong đường hướng phát triển chung của nhà dòng, nữ tu bề trên tỉnh dòng Phaolô Mỹ Tho Agnes Nguyễn Thị Tri cho biết, trước những thách thức của thời đại, làm sao để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho tha nhân là điều quan trọng: “Trong công tác đào tạo, bên cạnh việc chăm lo đời sống tu đức, nhà dòng luôn khuyến khích các chị em, nhất là lớp trẻ, nâng cao kiến thức ở các ngành như giáo dục đặc biệt, sư phạm, tâm lý, nghệ thuật… Từ đó, chúng tôi có thể trở nên một đội ngũ ngày càng chuyên nghiệp nhằm đảm đương, tiếp nối công việc mà các thế hệ đi trước đã làm”.