T7, 10 / 2017 7:26 Chiều | Đức Tin Jesus

Suốt 7 năm qua, Hội bảo vệ sự sống giáo xứ Ngưỡng Nhân, xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã thu nhặt, tắm rửa và chôn cất hơn 14.000 thai nhi bị nạo bỏ tại Nghĩa trang đồng ấu. Đó là hành trình dài cam go, đầy nước mắt nhưng cũng chan chứa tình người.

Linh mục Lê Thành Tâm, linh hồn của Hội tâm sự: “Chúng tôi thành lập nghĩa trang này mong muốn những sinh linh nhỏ bé sẽ có nơi an nghỉ và hy vọng hóa giải được nỗi day dứt trong lòng của đấng sinh thành từng phá bỏ đứa con của mình.

Hơn nữa, hành động đó còn là để tuyên truyền giáo dục cho giới trẻ thay đổi được nhận thức, tránh những sai lầm đáng tiếc, có trách nhiệm với chính bản thân mình để có một cuộc sống lành mạnh hơn. Dẫu sao thì đây cũng là một cái nghề nhưng tôi chỉ mong cái nghề này của mình sớm… thất nghiệp. Tức là không còn tình trạng nạo phá thai, chúng tôi sẽ không còn đi gom nhặt các em về đây nữa”.

GIAN NAN ĐI NHẶT XÁC

Chúng tôi về giáo xứ Ngưỡng Nhân, xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định vào một buổi sáng đầu xuân Bính Thân. Nụ cười nồng hậu, ấm áp của linh mục Lê Thành Tâm và những cái bắt tay thật chặt của các hội viên Hội bảo vệ sự sống khiến cái giá rét như ngưng đọng ngoài cửa sổ phòng khách. Cha Tâm chia sẻ cuộc hành trình đi nhặt hơn 14.000 thai nhi bị nạo bỏ bằng một câu chuyện khá rùng rợn, ám ảnh.

Cha kể: Vào một buổi sáng sớm cuối năm 2009, bà Đông, người dân giáo xứ Ngưỡng Nhân đang gánh rau đi chợ bán thì nghe thấy tiếng gọi yếu ớt của một bé gái: “Cứu cháu với bà ơi! Cháu lạnh quá”. Bà Đông dừng bước, ngó quanh. Bốn bề tĩnh lặng không một bóng người. Chỉ thấy sương giăng mù mịt và gió mùa đông hun hút thổi dọc triền đê. Bước đi vài bước, tiếng gọi lại cất lên, lần này nghe thao thiết hơn: “Cứu cháu với bà ơi! Cháu rét quá. Cháu bị ném xuống sông mấy hôm nay rồi”. Bà Đông buông vội đôi quang gá nh, căng mắt nhìn xuống dòng sông lạnh ngắt. Chợt bà nhìn thấy một cái túi ni lông màu đen trôi phập phờ, dạt vào mép nước. Bà chạy xuống, vớt túi lên. Một thứ mùi khó chịu bốc lên khiến bà buồn nôn. Tay run run lần mở nút túi, bà bỗng giật nảy mình. Một bé gái chừng bảy tháng tuổi, xác trương phềnh, bắt đầu thối rữa. Bà ứa nước mắt nói: “Khổ thân cháu quá cháu ơi! Bố mẹ cháu là ai mà lại nỡ giết bỏ cháu thế này?

Thôi! Để bà đưa cháu về nhà, tắm rửa sạch sẽ cho cháu rồi chôn cất cháu cho tử tế nhé”. Nói đoạn, bà gạt nước mắt, ôm bọc hài nhi về, sai chồng con đun nước thơm. Đích thân bà tắm rửa cho bé, lấy vải xô quấn lại, đặt vào trong chiếc hòm gỗ, mang ra đồng chôn. Đêm đó, bà không tài nào ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh đứa bé gái đã đủ hình hài bị ném trôi sông xác trương phềnh lại hiện lên khiến bà thổn thức, xót xa.

Nhà bà cũng gần một cơ sở nạo phá thai tư nhân. Ngày ngày, bà vẫn thấy nhiều đứa trẻ đưa nhau vào đây nạo phá thai. Khi nạo hút xong, bác sỹ thường vứt các mẩu thai nhi bị cắt rời xuống ao, bờ tre, gốc chuối, thậm chí vứt trôi sông. Bà thấy tội lỗi quá. Đêm đó, bà phát tâm nguyện sẽ đi xin những thai nhi bị vứt bỏ về chôn cất.

Đích tay bà Đông nhặt rửa từng mẩu thai nhi từ những bọc nylon đen
Đích tay bà Đông nhặt rửa từng mẩu thai nhi từ những bọc nylon đen

Sáng sớm hôm sau, bà Đông đã lên nhà thờ, kể lại toàn bộ câu chuyện với cha Trần Quang Tuyến. Cha Tuyến cảm động lắm. Cha bảo: “Đó là việc phúc đức, con nên làm. Cha sẽ yểm trợ cho con”. Điều bất ngờ là khi nói tâm nguyện ấy với chồng con, cả gia đình bà ai cũng ủng hộ, hơn thế, còn tích cực tham gia.

Thế là, ngày ngày, bà Đông, anh Đỗ Quang Hà, con trai bà cùng vợ, thay phiên nhau đến Bệnh viện huyện Giao Thủy, các trung tâm y tế, các phòng nạo phá thai tư nhân để xin các thai nhi. Bà Đông nhớ lại: “Những ngày đầu thực hiện công việc này, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Về phía bác sĩ, nhiều người không chịu hợp tác vì họ nghi ngờ không biết chúng tôi lấy thai nhi về để làm gì? Biết đâu lại nấu cho lợn ăn. Tôi đến bao nhiêu nơi thì bấy nhiêu lần nhận được lời từ chối lạnh lùng.

Một số người còn đề nghị tôi phải trả tiền để lấy các thai nhi tội nghiệp vì họ nghĩ rằng, tôi có ý định xấu xa gì đó hoặc làm để kiếm tiền. Bà con chòm xóm thì dị nghị, bàn ra tán vào, thậm chí, họ bảo chúng tôi bị điên. Nhiều người đã tỏ ra ái ngại khi những hài nhi được đem về không rõ nguồn gốc, nếu xử lý thiếu cẩn trọng có thể sẽ truyền các mầm bệnh nguy hiểm. Chúng tôi phải mất cả tháng trời kiên trì bền bỉ ở các phòng khám bày tỏ nguyện vọng mới được họ đồng ý. Bây giờ thì quen rồi. Chúng tôi để lại số điện thoại ở phòng khám. Khi nào có người phá thai thì họ gọi báo. Chúng tôi sẽ đến đem về chôn cất”.

Anh Đỗ Quang Hà, con trai bà Đông tâm sự: “Điện thoại lúc nào em cũng phải mang bên mình. Dù sáng sớm, giữa trưa hay nửa đêm, hễ nghe người báo tin là em bỏ hết tất cả công việc, tất tưởi chạy đến đưa các cháu về. Em sợ không đến nhanh, các cháu sẽ bị vứt bừa bãi. Tội lắm”. Trung bình mỗi ngày, anh Hà nhận từ 5-10 cuộc gọi từ những phòng khám ở địa phương và các xã lân cận.

Các thai nhi ở nhiều độ tuổi khác nhau. Có cháu mới 4 tuần tuổi, có cháu 3-4 tháng. Nhiều hài nhi như cục thịt nhỏ đỏ hỏn, chưa rõ hình hài. Có cháu mới có các bộ phận như hạt ngô. Song cũng có nhiều bé đủ hình hài, bị cắt rời từng bộ phận, máu me be bét. “Em phải tỉ mẩn nhặt nhạnh từng cánh tay, cái chân, cái đầu bị cắt rời, rửa sạch, đặt các cháu ngay ngắn thành hình vào trong vải, bó lại, rồi quấn túi nylon bên ngoài. Sau đó bỏ vào tủ bảo quản đông lạnh.

Mỗi lần đi thu gom như vậy, em thường dùng ba chiếc túi bóng. Hai chiếc để làm găng tay, một chiếc còn lại để dùng làm túi đựng hài nhi xấu số. Sợ lắm anh ạ! Bây giờ người ta tiêm thuốc cho đẻ non. Có những lần em thấy thai nhi đã già tháng được mẹ đẻ ra quẫy đạp, cất lên tiếng khóc một lúc sau mới chết. Sao mà người ta nhẫn tâm thế không biết.

Có lần đang đi trên đường, em thấy một con chó đang loay hoay cắn xé một thứ gì đó. Tiến lại gần, em tá hỏa khi thấy đó là thi thể của một bé trai sơ sinh. Em như rụng rời chân tay, thương xót vô cùng. Sinh linh ấy đã có đầy đủ chân tay, mặt mũi, đã thành hình người hoàn chỉnh rồi vậy mà người làm cha, làm mẹ vẫn nhẫn tâm vứt bỏ em”. Anh Hà nghẹn ngào chia sẻ.

Anh Đỗ Quang Hà sắp đặt từng túi nilon bó hài nhi vào tủ đông lạnh
Anh Đỗ Quang Hà sắp đặt từng túi nilon bó hài nhi vào tủ đông lạnh

Mỗi tháng, gia đình anh Hà lại tổ chức chôn cất các bé một lần. Cha Trần Quang Tuyến làm lễ Thánh cầu nguyện cho các bé giống như cho người lớn rồi chôn các em ở nghĩa trang riêng. Cha đặt tên là Nghĩa trang hài nhi mồ côi. Cha bảo, các bé chưa sinh ra đã chịu một thiệt thòi quá lớn. Cha cảm thấy xót xa, tội lỗi và muốn an ủi các sinh linh bé nhỏ ấy bằng việc xây dựng nghĩa trang ở phía sau giáo xứ để đón các bé về chôn cất. Nghĩa trang rộng cả ngàn mét vuông, do bố anh Hà, ông Đỗ Văn Tú làm trưởng ban nghĩa địa.

NHỮNG CÂU CHUYỆN LẠNH NGƯỜI

Thu nhặt chừng 2 tháng, số lượng thai nhi mà gia đình anh Hà gom được đã lên đến vài trăm xác. Từ bấy, nhà anh bắt đầu xảy ra những hiện tượng lạ. Phụ nữ đến nhà anh chơi, nhất là phụ nữ đang mang thai, khi trở về nhà đều kêu nhức đầu, đau bụng, thậm chí có người còn kêu bị ma hành.

Có đêm, 6 đứa con của anh Hà đang ngồi xem ti vi bỗng dưng chúng kêu toáng lên: “Bố ơi! Nhà mình đầy ắp trẻ con. Các em ngồi kín dưới sàn nhà, trèo cả lên giường. Các em cứ che màn hình TV, không cho chúng con xem”. Anh Hà phải thắp hương khấn, sau này anh Hà bèn thưa chuyện với linh mục Lê Thành Tâm, người mới về giáo xứ Ngưỡng Nhân thay linh mục Trần Quang Tuyến.

Nghe xong, cha Tâm ứa nước mắt, quyết định chuyển tủ đông lạnh chứa các thai nhi từ nhà anh Hà về căn phòng nhỏ, ngay bên cạnh nhà thờ. Hàng ngày, đích thân cha xuống gian thờ thắp hương, cắm hoa, đọc kinh nguyện cầu cho các bé. Cha tâm sự: “Nhìn hàng trăm xác thai nhi từ bé xíu mấy tuần tuổi bị hút bật ra đến những thai lớn hơn bị nạo, bị cắt vụn, thậm chí cả những cháu lớn đến 7- 8 tháng tuổi bị giết bằng phương pháp Cô-vắc, tôi xót xa lắm.

Các bé chưa sinh ra đã chịu một thiệt thòi quá lớn, đó là không được sống làm người. Chết cũng không có được tình thương của cha mẹ. Chính vì vậy, tôi mở phòng thờ thai nhi này với hy vọng có thể bù đắp được phần nào đó để các bé an nghỉ”.

Các bé được tổ chức tang lễ trang nghiêm như người lớn
Các bé được tổ chức tang lễ trang nghiêm như người lớn

Cha Tâm kể: Ngày nào cha cũng xuống gian thờ tâm sự, trò chuyện với các bé. Một lần, cha thỉnh mời một số linh mục ở các giáo xứ khác về Giao Nhân để tổ chức Thánh lễ, gọi là lễ cầu siêu cho các bé, hóa giải những hờn oán khi tình mẫu tử thiêng liêng bị chà đạp. Hôm ấy, buổi chiều, trời đang nắng chang chang, mây trắng bay ngập trời. Thế mà cha vừa mới thắp hương, bỗng đâu giông gió nổi ầm ầm, sấm chớp đùng đoàng, mây đen kịt kéo tứ bề. Gió cuốn bụi mịt mù, thổi tắt hết đèn nến, thổi bay cả hoa và các lễ vật.

Các cha và hàng ngàn dân giáo xứ chạy tán loạn. Cha Tâm vội quỳ gối, chắp tay, ngửa mặt lên trời than: “Cha vất vả làm đại lễ này là để cầu nguyện cho các con được siêu thoát về với Chúa. Vậy mà các con không thương cha. Nếu các con còn phá đám, ta sẽ để mặc các con, không bao giờ làm lễ cho các con nữa”. Lời than vừa dứt, gió lốc ngừng thổi, mây đen tan, trời lại chang chang nắng. Ai chứng kiến cảnh đó cũng thấy lạnh toát sống lưng, sởn da gà, cảm nhận rất rõ sự linh thiêng của các vong hồn thai nhi.

Có lần, nghe anh Hà nói: “Thời gian gần đây, dịch vụ phá thai ngày càng nở rộ. Số lượng trẻ vị thành niên đi nạo phá ngày càng tăng, trong đó, có rất nhiều em là học sinh lớp 9, lớp 10. Chắc có nhiều thai nhi bị vứt trôi sông” khiến nỗi khắc khoải về những sinh linh bị bỏ rơi trong lòng cha Tâm ngày càng thao thiết, để rồi, cha quyết định nối dài thêm vòng tay nhân ái của gia đình anh Hà bằng sáng kiến thành lập “Hội bảo vệ sự sống” với khẩu hiệu “Cho đi là còn mãi”. Thời gian đầu, một số người dân giáo xứ không hiểu, đã phản đối quyết định đó của cha Tâm. Họ bảo: “Cha làm thế khác gì nối giáo cho giặc, cổ động cho những người nạo phá thai”.

Cha Tâm phải lựa lời khuyên giải: “Các con xem, những thai nhi này có tội tình gì đâu. Vậy mà chúng đã bị cha mẹ giết khi chưa kịp chào đời. Người ta chết thì được gia đình tổ chức ma chay rất đình đám. Còn các em khi mất đi, lại bị vứt bỏ hết sức tội nghiệp”. Những lời nói chân thành, đầy xót thương của cha Tâm đã lay động trái tim nhiều người. Thế là, từ những thành viên ban đầu là anh Hà, bà Đông, ông Tú, Hội những người bảo vệ sự sống dần lớn mạnh với hàng trăm hội viên, ở cả hai đầu Nam, Bắc.

Phía Bắc gồm 40 thành viên, phía Nam hoạt động tại TPHCM có gần 60 thành viên. Cha Tâm chia sẻ: “Trong những ngày đầu đi xin xác, tôi và các tình nguyện viên gặp nhiều khó khăn, bị người ta nghi kị mục đích xấu của việc làm này nhưng các thành viên không nhụt chí. Ở một số bệnh viện và phòng khám tư nhân, một số ít người còn thấy ray rứt lương tâm, thường là ở các khâu không trực tiếp nhúng tay vào việc phá thai, sẵn sàng âm thầm chuyển cho chúng tôi các bào thai bị phá, thay vì bỏ chung vào với các thứ rác thải y tế, hoặc tệ hơn, đổ tuột xuống cống, dội nước trong cầu tiêu. Để chứng minh cho việc làm của mình, mỗi khi an táng các bé, chúng tôi mời cá n bộ các trung tâm y tế và người dân về tham dự để họ hiểu và cảm thông. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi xin được khoảng 200 hài nhi trên địa bàn huyện.

Khi mang về, tình nguyện viên sẽ tắm rửa, mặc quần áo rồi đặt các em vào các tủ đông. Mỗi thứ sáu đầu tháng, các thành viên cùng nhau hiệp dâng lời cầu nguyện trong thánh lễ dành cho những “thiên thần” nhỏ, để rồi sau đó đưa các em yên nghỉ nơi nghĩa trang đồng nhi của giáo xứ. Tất cả các em được cử hành tang lễ nghiêm trang như bao lễ tang khác. Đặc biệt, ở đây không có sự phân biệt lương giáo. Tôi cũng khuyến khích mọi người hãy nhận một thai nhi làm con và đưa các em đến nơi an nghỉ cuối cùng để ý thức hơn việc gìn giữ sự sống”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nghĩa trang thai nhi của giáo xứ Ngưỡng Nhân rộng 1000 m2 là nơi yên nghỉ của hơn 14.000 thai nhi. Ông Đỗ Văn Tú, Trưởng ban quản lý nghĩa trang tâm sự: “Những hài nhi bị bậc sinh thành tước đi quyền được sống trên đời là những sinh linh bé nhỏ nhưng cũng cần được chôn cất tử tế. Hàng ngày các em được chăm sóc nơi yên nghỉ, được những người có tấm lòng ghé thăm, cầu nguyện, cha mẹ các em đến hối lỗi. Có nhiều lý do khác nhau mà những bậc làm cha làm mẹ đã phải đứt ruột từ bỏ đứa con mình.

Tôi đã chứng kiến nhiều cặp đôi tới đây thắp nhang cho các em. Họ là các bậc cha mẹ của những sinh linh tội nghiệp này. Một cô gái trẻ đến đây hỏi chúng tôi có đến lấy một hài nhi ở bệnh viện vào ngày tháng năm đó hay không. Khi chúng tôi nói có, cô ấy hỏi chôn ở đâu rồi ôm nấm mộ khóc nức nở. Cô ấy tỏ ra hối hận vì đã từ bỏ đứa con. Có nhiều trường hợp để lại bức thư nêu hoàn cảnh vì sao bỏ con và xin được đứa con tha thứ. Vì vậy, khi xây dựng nghĩa trang, chúng tôi còn muốn góp phần chia sẻ, hóa giải nỗi day dứt trong lòng của những người đã từng phá bỏ thai; đồng thời muốn giáo dục cho giới trẻ rằng: Hãy xây dựng cho mình tình yêu trong sáng, bền vững, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.

NÂNG NIU BẢO VỆ NHỮNG MẦM SỐNG

“Tiếp nhận và chôn cất xác thai nhi, xét cho cùng, chỉ mới là giải quyết cái ngọn, cái hậu quả đáng tiếc mà thôi, cần phải lo ngay từ cái gốc. Công việc cấp bách và quan trọng khác của chương trình Bảo vệ sự sống, đó là tìm gặp, tiếp xúc, trò chuyện, khuyên nhủ và thuyết phục các chị em hãy bỏ ý định phá thai”. Nhiều đêm không ngủ, cha Tâm cứ nghĩ thao thức như vậy. Nghĩ là làm, cha thúc đẩy cả hai nhóm bảo vệ sự sống hai miền Bắc – Nam nâng đỡ những bà mẹ này giữ lại thai và sinh nở vuông tròn tại một số mái ấm.

Cơ sở vật chất chưa có, cha liên hệ và mượn tạm chỗ của các nữ tu dòng Mân Côi gần giáo xứ Ngưỡng Nhân. Đã có trên 60 phụ nữ được cưu mang và cũng chừng ấy trẻ nhỏ được cất tiếng khóc chào đời. Ngoài những trường hợp gởi đến Mân Côi, cha Tâm cùng nhóm cũng giúp cho những bạn gái mang thai ngoài ý muốn có chỗ ăn ở tạm lá nh để sinh con. Hầu như hằng tháng, nhóm đều tiếp nhận và tận tình giúp đỡ, tư vấn, gỡ rối cho những cô gái trẻ để họ không bỏ đi đứa con của mình.

Sự sống được nâng niu, bài học nhân bản được lặng thầm truyền đến nhiều người qua các hình thức nối kết khác nhau. Nhóm ở miền Nam còn lập một trang facebook để lắng nghe, đồng thời can thiệp kịp thời giúp cả người nam lẫn nữ gìn giữ “giọt máu” của chính mình. Anh Phạm Văn Bút, trưởng nhá nh tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã có gần 100 ca ở phía Nam được nhóm hỗ trợ bằng nhiều hình thức để không phá thai và sinh nở mẹ tròn con vuông. Sợi dây cộng tác cùng cha Tâm dù gần hay xa xôi vẫn luôn vững chắc. Các thành viên ở cả hai nhá nh mỗi năm lại gia tăng, phần lớn là những người trẻ. Dù còn vất vả mưu sinh nhưng trước lời mời gọi nhiệt thành của cha, mọi người lại thêm tinh thần bước tới.

VÀ NHỮNG NỖI NIỀM THAO THỨC

Lẽ thường, ai cũng mong công việc của mình luôn thuận lợi, phất lên như diều gặp gió. Nhưng với cha Lê Thành Tâm, ông lại khao khát mong được… thất nghiệp. Gần 7 năm cùng các thành viên Hội bảo vệ sự sống gom nhặt hơn 14.000 thai nhi bị bỏ rơi, ông rất đau lòng và chỉ có một tâm nguyện, những sinh linh bất hạnh này sẽ ngày càng vơi bớt.

Đưa chúng tôi đi thắp nhang cho các sinh linh nhỏ ở Nghĩa trang hài nhi, cha Tâm bảo: “Dẫu sao thì đây cũng là một cái nghề nhưng tôi chỉ mong cái nghề này của mình sớm thất nghiệp. Tức là không còn tình trạng nạo phá thai, chúng tôi sẽ không còn đi gom nhặt các em về đây nữa”. Ước nguyện ấy của cha Tâm thật đẹp, thật nhân văn. Nhưng xem ra rất khó thành hiện thực.

Bởi qua thăm dò các bác sĩ chuyên ngành (cả nhà nước lẫn tư nhân) thì 83% đã xác nhận rằng: ở lứa tuổi từ 15 – 19, nhiều em đã đi nạo phá thai.. Con số này đang ngày càng gia tăng đến mức đưa Việt Nam lên hàng một trong 5 quốc gia có tỷ lệ nạo, hút thai lớn nhất thế giới. Theo bác sĩ Đỗ Văn X., người gắn bó với Bệnh viện phụ sản Hà Nội gần 40 năm, nay đã nghỉ hưu và mở phòng khám tư chuyên giúp chị em giải quyết hậu quả của cơn dâm tình thì “các cô gái trẻ thời nay quan hệ tình dục rất sớm. Hầu hết chưa lập gia đình. Có em mới 13 tuổi, đang học lớp 6”.

Cha Tâm tại nghĩa trang đồng ấu

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu cũng như cách lý giải của các nhà xã hội học, tâm lý học, tội phạm học… về tình trạng ngày càng nhiều cô gái, nhất là gái vị thành niên, cuốn mình theo dòng sống đơn giản thác loạn, bỏ nhà đi bụi, hút hít, mại dâm… Những cú sốc về tâm lý, sự lệch lạc về nhận thức, tính muốn tự khẳng định mình một cách tiêu cực, những thiếu sót từ phía gia đình và cả hàng ngàn những cạm bẫy, lọc lừa trong xã hội…

Tất cả đã được lý giải một cách cặn kẽ, thấu đáo nhưng lạ thay, trào lưu này không hề giảm mà trái lại, vẫn ào ạt chảy một cách quái dị trong đời sống của lứa tuổi “trăng nhú, trăng tròn”. Những năm trước đây, lối sống này mới chỉ cuốn được những “cậu ấm, cô chiêu” con nhà quyền quí mà nguyên nhân chủ yếu là do sợ hãi về những sai phạm, hay bỏ đi vài hôm để gây áp lực đòi gia đình phải thỏa mãn nhu cầu vật chất hoặc thấy cuộc sống nhạt nhẽo, ngột ngạt mà muốn vùng vẫy, đổi thay. Nhưng vài năm gần đây, số lượng những “cô chiêu” bỏ nhà đi bụi tăng nhanh một cách chóng mặt. Đây chính là con đường dẫn đến “quốc nạn” nạo hút thai, đến mại dâm và “ết”.

Cuối tháng 12 / 2015, hội Kế hoạch hoá gia đình thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức diễn đàn Sức khỏe sinh sản vị thành niên nhằm tìm ra giải pháp trước thực trạng tỷ lệ nạo phá thai ở nước ta đang đứng hàng thứ 2 trên thế giới. Số trẻ dưới 15 tuổi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ngày một gia tăng, kể cả nhiễm HIV. Bác sĩ Huỳnh Thị Trong – Chủ tịch Hội cho biết: có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ nạo phá thai, đặc biệt ở giới trẻ trong thời gian gần đây tăng lên đáng kể. Trước hết phải kể đến hoàn cảnh gia đình và môi trường xã hội.

Nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm dạy bảo con cái đúng mức, đặc biệt là vấn đề giới tính, tâm sinh lý. Tình trạng một gia đình có nhiều thế hệ chung sống với nhau, nhiều lúc sinh hoạt chăn gối, tình cảm của cha mẹ, anh chị làm ảnh hưởng đến con trẻ. Môi trường xã hội khá phức tạp, có nhiều luồng thông tin thiếu chính xác, phi giáo dục, đặc biệt là sự du nhập của văn hoángoại lai, phim ảnh sách báo đồi trụy khiến một bộ phận giới trẻ bị tiêm nhiễm, ăn chơi buông thả, quan hệ tình dục bừa bãi, không biết cách sử dụng biện pháp an toàn. Bên cạnh đó, hiện nay việc giáo dục giới tính trong nhà trường không được quan tâm đúng mức…

Theo bà Trong, với kỹ thuật hiện đại, nạo phá thai bây giờ ít nguy hiểm hơn, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe như dễ xảy ra tình trạng viêm nhiễm, rong kinh… Nếu nạo phá nhiều lần dễ dẫn đến tình trạng vô sinh (hiện nay tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam đã lên đến 10%), ngoài ra còn ảnh hưởng nhiều đến tâm, sinh lý, hạnh phúc gia đình về sau này. Để hạn chế thực trạng nhức nhối này, bà Trong nói: “Cần có sự kết hợp giữa các ban ngành trong xã hội; các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục vấn đề giới tính, các biện pháp phòng tránh thai, kiến thức tình dục an toàn.

Các bậc cha mẹ hãy quan tâm thiết thực đến con em mình, nhà trường nên nghiên cứu chọn lọc những chương trình giáo dục giới tính phù hợp để sớm đưa vào giảng dạy cho học sinh, đồng thời giáo dục các em có lối sống lành mạnh, tự bảo vệ mình trước những thói hư tật xấu”.