T3, 01 / 2018 6:18 Chiều | Đức Tin Jesus

137 năm sau khi được khánh thành, nắng mưa của phương Nam đã làm nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn bị xuống cấp nặng ở nhiều vị trí. Để gìn giữ ngôi thánh đường, Tổng Giáo phận TPHCM đã cho trùng tu toàn diện. Báo Công giáo và Dân tộc đã thực hiện một chuyên đề để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về công trình vô cùng quan trọng này.

Vết hằn của thời gian

Ngày 7.10.1877, nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn đã được Ðức cha Isidore Colombert (tên Việt là Mỹ), Giám mục đại diện Tông tòa giáo phận Tây Ðàng Trong vào thời điểm đó làm phép và đặt viên đá đầu tiên xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Bourard. Quá trình xây cất diễn ra khá nhanh chóng, nhà thờ được khánh thành vào ngày 11.4.1880. Những năm đầu, nhà thờ nhìn khá giống nhà thờ Ðức Bà Paris (Pháp) nhưng đến năm 1895, kiến trúc sư Fernand Gardes thiết kế bổ túc và 2 tháp nhọn được lắp dựng vào phía trên gác chuông.

Mái ngói bị hở, dột – ảnh TGP – HCM

Trong hơn 1 thế kỷ qua, nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn cũng từng được tu sửa nhiều lần, nhưng chỉ với quy mô nhỏ, chủ yếu để tạm xử lý những hư hỏng. Dấu ấn của thời gian ngày càng hằn ghi lên ngôi thánh đường, những chỗ dột, nứt, bong tróc, ẩm thấp xuất hiện càng lúc càng nhiều. Trước đây, Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn cũng từng có ý cho sửa chữa nhưng vì nhiều lý do nên chưa thực hiện được. Ðến khi Ðức cha Phaolô Bùi Văn Ðọc chính thức về làm chủ chăn của Tổng giáo phận vào tháng 4.2014 thì tình trạng xuống cấp của nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn đã nghiêm trọng. Ngài xem xét mọi mặt và quyết định thực hiện đại trùng tu. Công trình được cấp giấy phép vào ngày 12.4.2017, cũng là Thứ Tư Tuần Thánh. Ngày 29.6, Ðức cha Phaolô dâng thánh lễ cầu nguyện cho việc trùng tu và hôm sau, 30.6, công trình chính thức khởi công.

Cha Inhaxiô (thứ 2 từ trái sang), bà Ngô Phương Thanh và các chuyên gia nước ngoài tại công trường

Linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Ðại diện TGP TPHCM và là Trưởng Ban trùng tu cho biết: “Những phần được ưu tiên tu sửa là mái ngói, tháp chuông, tháp nhọn, sau đó sẽ đến những phần khác. Ở những khu vực ‘báo động đỏ’ như mái vòm đối diện với trung tâm thương mại Diamond Plaza, hễ mưa là dột nặng, nước chảy xuống ào ào. Ẩm lâu ngày, gạch ‘ngậm’ nước, có những viên có thể bị bóp thành bột. Hệ thống má ng xối gần như cũng hư hết. Mọi sự đã cấp thiết, không thể chần chừ. Ðây là một việc hết sức khó khăn, phức tạp vì chúng ta thi công một di tích có hàng trăm năm lịch sử”. Công ty cổ phần kiểm định xây dựng Sài Gòn (SCQC) đã được chọn để khảo sát đánh giá hiện trạng ở nhiều hạng mục: kết cấu mái ngói, tháp chuông, tường, móng…

Rolls Royce của ngói

Sau gần 2 năm xem xét, công ty Thép Việt Bình Dương đã được chọn làm đơn vị thi công các hạng mục trùng tu của nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn và công ty Eurohaus Việt Nam là đơn vị cung cấp vật tư (ngói Marseille, ngói vảy cá, ngói âm dương, vữa đắp đỉnh mái, kẽm má ng xối, kẽm tháp chuông, gạch xây tường). Cha Inhaxiô kể: “Thừa lệnh bề trên, chúng tôi luôn tìm những gì tốt nhất cho nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn vì đâu thể nào sửa chữa hoài được. Nhờ bà Ngô Phương Thanh (công ty Eurohaus) làm cầu nối, tôi đã có thể liên lạc với các hãng VMZinc, Monier S.A (cùng của Pháp) và Mayer-Holsen (Ðức) để đặt làm những loại ngói và má ng xối đúng như nguyên bản ban đầu. Năm 2016, tôi sang Pháp và Ðức để đến tận nơi xem cơ sở sản xuất của các hãng này, sau đó thì quyết định đặt hàng”. Ngói Marseille đã được hãng Monier S.A gởi về và hiện đang được lưu giữ ở Trung tâm Mục vụ của Tổng giáo phận. Ngói vảy cá đợt 1 với 3 container sẽ về cảng Sài Gòn vào ngày 31.12.2017. Ðợt thứ 2 của ngói vảy cá sẽ được gởi cùng với ngói âm dương và đến nơi vào ngày 25.1.2018.

Phần cao nhất được lợp ngói Marseille

Chia sẻ với báo Công giáo và Dân tộc về việc “truy tìm” những sản phẩm gốc cho nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn, bà Phương Thanh tỏ ra rất xúc động: “Tôi có nhiều năm làm việc trong lãnh vực kiến trúc, vật liệu xây dựng, đặc biệt là về gạch ngói đất sét nung. Tuy không phải tín hữu Công giáo nhưng Nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn là một trong những di tích mà tôi yêu thích nhất nên khi nghe nói về dự án trùng tu toàn diện, tôi vẫn mong mỏi công trình này có thể sử dụng những vật liệu gốc từ châu Âu như khi xây dựng vào cuối thế kỷ 19. May là những hãng cung cấp vật tư thuở ấy vẫn còn tồn tại và vẫn kinh doanh thành công, như công ty VMZinc (thành lập năm 1837) hay công ty Meyer-Holsen GmbH (thành lập năm 1860). Một may mắn khác là tôi đã được gặp cha Xuân để trình bày và được ngài ủng hộ. Không chỉ vậy, cha rất tâm huyết khi sang tận Pháp và Ðức để tiếp xúc với các đối tác tiềm năng. Tôi nhớ hoài ngày đầu tiên trong chuyến đi vào năm 2016, cha đến Paris vào buổi sáng, chiều đã bắt đầu làm việc với đại diện của một hãng rồi tối khuya cùng ngày lại ngồi xe 5 tiếng để đến một cơ sở sản xuất… Cha không chút nề hà, dù tuổi cũng đã cao”.

Và kết quả của chuyến đi là Ban trùng tu đã chọn những sản phẩm chất lượng nhất của châu Âu cho nhà thờ Ðức Bà. Nói cho dễ hiểu, theo bà Phương Thanh, “dân trong nghề” xem dùng ngói của Meyer-Holsen để lợp mái cũng giống như đi xe hơi mà chọn Rolls Royce.

Phía trong nhà thờ nhiều chỗ bị bong tróc – ảnh: TGP.TPHCM

Công việc mênh mông

Ðể đảm bảo an toàn cho một di tích lâu đời, thầy Lưu Ðức Huân, một chuyên gia về kết cấu thép và là Giám đốc Công ty Thép Việt Bình Dương đã thiết kế giàn giáo đặc biệt để không đụng vào kết cấu của nhà thờ. Giàn giáo đặt 2 bên của thánh đường, có chiều cao 27m, ở dưới là một sàn thép, mỗi bên gồm 11 khối bê tông, nặng 3.360 kg/khối, có vai trò giữ cho giàn đứng vững. Giàn console được gắn lắp vào hệ giàn giáo không gian để tiếp cận, di chuyển tới các vị trí thao tác thực hiện tháo dỡ ngói, rui mè cũ và thay thế mới.

Bắt đầu công đoạn sơn

Hiện tại, công đoạn đánh rỉ sét, làm sạch phần dưới mái ngói và trên mái vòm đã hoàn tất và bắt đầu cho sơn 3 lớp. Loại sơn do Ban trùng tu chọn cũng là “hàng hiệu”: sơn Jotun của Na Uy. Những thanh thép nào bị hư hại do nước mưa được gia cố bằng cách kẹp một thanh thép khác vào. Về rui, mè, cha Inhaxiô cho biết: “Rui với mè có lẽ đã từng được thay, không đồng bộ về gỗ nên khi lợp ngói lên dễ bị chênh nhau. Ngày trước, gỗ được dùng là sao đen, giờ không thể kiếm ra. May mắn là tôi mua được khoảng 400 m3 gỗ sao xanh – có tính chất tương tự sao đen – với giấy tờ hợp lệ từ Campuchia, hiện đã chuyển về xưởng cưa ở Cầu Dừa, Hóc Môn, cần tới đâu, xẻ tới đó. Rui, mè sẽ được thay hết để đồng bộ”. Vị Tổng Ðại diện nói vui, trùng tu tới đâu, thấy thêm chuyện để xử lý tới đó, chuyện nào cũng phải suy tính kỹ càng, “công việc mênh mông”.

Chẳng hạn, việc trùng tu 2 tháp nhọn có rất nhiều điều để trăn trở. Chân tháp đã mục, phần tôn bằng kẽm nguyên chất thì có nguy cơ bị sút ra, rơi xuống, gây nguy hiểm cho người đi đường nên nhiều lần đã được gia cố tạm. Việc thay tôn, làm mới toàn bộ và trang trí đã được hãng VMZinc báo giá 620.000 euro (gần 17 tỷ đồng). Ngoài ra, 2 thánh giá trên đỉnh tháp (bằng đồng, cao 3,5m; nặng 600kg) cũng cần được xử lý lại. Vấn đề, theo cha Tổng Ðại diện, là khi tháo ra có gây hại gì cho 2 tháp nhọn không? Ðiều này cũng sẽ phải được kiểm định. Trong trường hợp có thể tháo ra thì 2 cây thánh giá sẽ được gửi sang Bỉ để mạ vàng lại (vàng 23,75K, còn lại 0,25K là platinum), với tổng chi phí là 172.000 euro (hơn 4,6 tỷ đồng).

Phần chân tháp nhọn bị mục nát

Không như xây mới, do công trình trùng tu hay có nhiều việc phát sinh trong quá trình thi công nên khó có thể ước tính kinh phí, nhưng dự trù phí tổn tối đa là 150 tỷ đồng. Cha Inhaxiô nhận định: “Giáo dân rất rộng rãi và có lòng, kinh phí xây dựng chủ yếu do các tín hữu đóng góp. Tòa Tổng Giám mục chỉ trông cậy vào lòng quảng đại của anh chị em giáo dân. Chúng tôi tuyệt đối không xin bên ngoài, cũng không xin sự hỗ trợ của Tòa Thánh. Và cũng không có chuyện vài ‘đại gia’ giúp cả trăm tỷ”. Theo giấy phép do Ủy ban Nhân dân TPHCM cấp thì công trình kéo dài đến cuối năm 2019, có thể xin gia hạn đến giữa năm 2020.

Các loại ngói và vật tư dùng cho Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

– Mái cao nhất: diện tích khoảng 1.800m2, lợp ngói Marseille (còn gọi là ngói mũi tên, ngói Tây) do công ty Monier S.A (Pháp) cung cấp. Ngói được bảo hành 30 năm.

– Mái trung gian: diện tích khoảng 1.200m2, lợp ngói vảy cá do công ty Meyer-Holsen (Ðức) cung cấp. Bảo hành 40 năm.

– Mái thấp nhất: diện tích khoảng 300m2, lợp ngói âm dương do công ty Meyer-Holsen cung cấp. Bảo hành 40 năm.

– Hệ thống má ng xối và hệ thống mái lợp 2 tháp nhọn bằng kẽm Azengar nguyên chất (99.95% zinc) do VMZinc (Pháp) cung cấp.

– Vữa cho bờ đỉnh mái ngói, chỉ viền tường, ron tường gạch do công ty Quick-mix Gruppe GmbH (Ðức) cung cấp.

Ngoài phần ngói, tháp nhọn, rui, mè…, nhiều hạng mục khác của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cũng sẽ mang một diện mạo mới sau đợt đại trùng tu.

Tường gạch

Một số mảng tường của nhà thờ đã bị mục, mòn, chủ yếu do dột và đọng nước lâu ngày gây ra. Theo cha Tổng Ðại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân, gạch gốc của Pháp rất tốt, không đóng rêu và từ lúc xây dựng tới giờ chưa thay lần nào mà phần lớn vẫn nguyên vẹn, màu sắc không mấy thay đổi. Ðây cũng là loại gạch thường được dùng để xây các nhà thờ ở Pháp. Tường bao quanh nhà thờ dày khoảng 65cm, riêng tường của tháp chuông và những chỗ chịu lực dày 1m4. Ban trùng tu sẽ cho kiểm tra lại toàn bộ phần tường để xác định những nơi cần thay. Tổng giáo phận TP.HCM dự định sẽ xây lại nhà xứ của Nhà thờ Ðức Bà. Như thế, để cho hài hòa về mặt thẩm mỹ, gạch xây nhà xứ sẽ cùng loại với gạch được dùng để thay phần bị xuống cấp ở nhà thờ. Tất cả đều sẽ  được nhập từ Châu Âu. Bên cạnh đó, những phần tường bị viết, vẽ bậy dự kiến cũng sẽ nhờ các công ty Pháp xử lý.

Kính màu

Toàn bộ kính màu ở Nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn đều do hãng Lorin ở thị trấn Chartres thuộc tỉnh Eure et Loir, tây bắc Pháp, sản xuất. Cha Inhaxiô trong đợt sang Pháp hồi đầu tháng 11 vừa qua đã đến Chartres để tìm hiểu thì được biết hãng này không còn người kế thừa. Một hãng khác cũng đang được Ban trùng tu cân nhắc là Loire (vốn tách từ Lorin).  Cha Tổng Ðại diện cho biết: “Tôi đã thăm viếng các nhà thờ từ Chartres đến thành phố Strasbourg để khảo sát về kính màu. Có nhiều mẫu đẹp nhưng khá đắt tiền. Vì vậy, chúng tôi sẽ cho kiểm tra thật kỹ để xác định kính màu nào hư nhiều hay hư ít, cần thay hay không?”.

Phần tường bên dưới của nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn có 37 kính màu, trong đó có 25 cái mô tả nhân vật hoặc sự kiện trong Kinh Thánh, phần còn lại trang trí bằng họa tiết. Rất nhiều kính màu hiện bị bể hoặc bị mất một phần.

Ðàn orgue ống

Cha Inhaxiô cho biết rất mong muốn có thể tái lập lại đàn orgue ống cho nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn. Cây đàn cũ của nhà thờ hiện đặt ở gác đàn, cao 3m, ngang 4m, dài 2m, có những ống hơi bằng nhôm với đường kính 10cm. Ðây là cây đàn cổ nhất tại Việt Nam hiện nay, theo tài liệu của Tổng Giáo phận. Nhưng đàn không còn sử dụng được nữa. Cha Inhaxiô đã liên hệ với một số hãng sản xuất đàn orgue ống ở Pháp, Mỹ và đang đợi họ báo giá để cân nhắc.

Chuông

Nhà thờ Chánh tòa Ðức Bà hiện có 6 cái chuông, trong đó, nặng nhất là chuông Sol: đường kính 2,25m; cao 3,5m; nặng 8.745 kg. Toàn bộ chuông do hãng Bollée đúc vào năm 1879 tại Pháp. Hãng này đã sang khảo sát và cho biết các chuông trên đều còn khá tốt, chỉ có hơi bị lệch về âm thanh do quá lâu không được điều chỉnh, chỉ cần cho xoay 30o là được. Hãng Bollée đề nghị Tổng Giáo phận mua thêm 3 cái chuông nhỏ nữa (cộng lại khoảng 2.000 kg) để thành nguyên bộ hợp âm. Tùy mùa, tùy lễ, khi đến giờ, đồng hồ điểm thì bộ chuông mới có thể phát ra khoảng 1.000 giai điệu khác nhau. Hiện nay, chỉ có đêm Giáng Sinh nhà thờ mới đổ cả 6 chuông, lễ trọng sẽ đổ 3 chuông còn ngày thường chỉ đổ 1 chuông. Thời gian tới, dự kiến, các chuông sẽ được gắn hệ thống để có thể điều khiển từ xa.

Việc trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn phải tuân theo một quy trình được tổ chức rất chặt chẽ, để tránh mọi tổn hại đến di tích lâu đời này.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi trò chuyện với anh Trương Văn Tam, trưởng nhóm và anh Võ Văn Hồng, công nhân lắp dựng. Hai anh đều có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nhưng đây là lần đầu tiên tham gia một công trình trùng tu di tích cổ. Anh Tam cho biết: “Một ngày của chúng tôi bắt đầu từ 7 giờ 30, đến 11 giờ 30 thì nghỉ trưa, chiều làm từ 13 giờ đến 17 giờ. Công việc trong giai đoạn hiện tại là lắp giàn giáo, sắp tới sẽ là tháo ngói, lắp má ng xối”. Theo anh Hồng, quy định tại công trường của nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn rất nghiêm ngặt và được hướng dẫn rất kỹ ngay ngày đầu tiên: đảm bảo các nguyên tắc an toàn như từ độ cao nào thì phải gắn dây an toàn, luôn phải đội nón, mang giày bảo hộ và phải thật cẩn thận trong mọi thao tác. Ngoài ra, do có nhiều điều mới lạ nên làm tới đâu sẽ có chuyên gia huấn luyện trên mô hình trước, từ hàn thiếc má ng xối, đến tháo lắp ngói.

Anh Võ Văn Hồng (trái) và anh Trương Văn Tam

Về mặt quản lý, bà Ngô Phương Thanh (công ty Eurohaus) giải thích thêm: “Việc tìm mua được ngói, kẽm má ng xối, kẽm lợp của 2 tháp nhọn,… đã là một hành trình rất vất vả, tốn nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả với các hãng cung cấp của Châu Âu, đặc biệt với Toà Tổng Giám mục mà đại diện là linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, là làm sao để sử dụng các vật liệu gốc, chính hãng đó để thi công đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ của nhà thờ Chánh tòa Ðức Bà Sài Gòn sau khi trùng tu. Vì vậy, việc lựa chọn đơn vị thi công, tuyển chọn, huấn luyện công nhân viên tham gia vào dự án này là yêu cầu tiên quyết. Mỗi hạng mục khác nhau đều phải thực hiện theo đúng qui trình mà nhà sản xuất tư vấn, hướng dẫn, thống nhất với chủ đầu tư và đơn vị thi công”. Với những hạng mục mới, các trưởng nhóm phải thực hành trên mô hình và được chuyên gia người nước ngoài duyệt thì mới được bắt tay vào làm.

Các nhà quản lý cũng cung cấp nhiều thông tin về nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn cho công nhân, để họ hiểu hơn về tầm quan trọng của di tích đang được thi công, đồng thời tạo bầu khí thân thiện, thoải mái để họ thật sự xem đây là công trình của chính mình.

Ông Lưu Ðức Huân, Giám đốc Công ty Thép Việt Bình Dương:

“Về giàn giáo, tôi thiết kế dựa trên các tiêu chí sau đây:

– Hồ sơ kiểm định của Công ty cổ phần kiểm định xây dựng Sài Gòn (SCQC), khuyến cáo rằng cố gắng tránh đụng vào kết cấu của nhà thờ vì đây là di tích cổ. Do đó, khác với thông thường, giàn giáo không tựa vào ngôi thánh đường mà như một trụ đứng độc lập. Ngoài ra, do mái ngói xéo, ở xa và có 3 lớp (cao, giữa, thấp) nên phía trên của giàn phải vươn tới được chân mái cao để thợ đi ra tháo lắp ngói.

– Ðây là công trình ngay trung tâm thành phố nên không thể đào móng được.

– Việc sửa chữa không được ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn, giáo dân vẫn dự lễ bình thường”.

Ông Mark Willems, Quản lý kỹ thuật dự án

Ông Willems là đại diện phía đơn vị cung cấp vật tư, chịu trách nhiệm toàn bộ các hạng mục kỹ thuật của hàng hoánhập khẩu từ VMZinc, Monier (Pháp) và Meyer Holsen, Quick-mix Gruppe GmbH (Ðức).

“Cùng với VMZinc, chúng tôi đã tìm kiếm nhiều tài liệu lịch sử để có thể xác định được những nhà sản xuất ‘gốc’ từ thuở đầu của nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn. Ðây là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn. Ngoài ra, dự án tiến triển “chậm để chắc” vì đây là lần đầu tiên có một công trình trùng tu quy mô lớn như thế này tại Việt Nam nên chưa ai có kinh nghiệm”.

Chuyên gia Mark Willlems (trái) và chuyên gia Mohand-Akli Djellab

Ông Mohand-Akli Djellab, chuyên gia của VMZinc

Ông Djellab là người chịu trách nhiệm hướng dẫn đào tạo các hạng mục về kẽm má ng xối và kẽm lợp của 2 tháp chuông.

“Trùng tu nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn là một công trình rất thú vị, đặc biệt với những điều chúng tôi khám phá được trong quá trình thu thập tài liệu. Chẳng hạn, ban đầu, 2 tháp nhọn được dự tính xây dựng bằng đá nhưng do thiếu kinh phí nên tạm ngưng. Ðến năm 1895, khi tài chính đã đủ thì đến thời đại công nghiệp nên kim loại được chọn thay cho đá. Một điểm đáng chú ý là phần sắt thép của 2 tháp này vẫn còn có đóng dấu “FD POMPEY”. Ðây là một hãng ở miền đông Pháp và cũng là nơi sản xuất sắt thép để dựng nên tháp Eiffel của Paris”.