T4, 12 / 2017 9:49 Chiều | Đức Tin Jesus

1.

Chỉ mới một thời gian vắn từ ngày nhận trách nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ rõ quyết tâm của Ngài muốn đổi mới Hội Thánh.

Để đổi mới Hội Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã coi vấn đề đổi mới các mục tử là ưu tiên số một.

Một bước được coi là quyết liệt nhất, đó là những lời Ngài cảnh báo các mục tử với lời lẽ khá nặng nề.

Người ta sẽ dễ thông cảm với Ngài, khi được biết những lời cảnh báo nặng nề đó không chút gì mới mẻ, nhưng chỉ tiếp tục những gì Ngài đã làm khi còn là Hồng y coi sóc giáo phận thủ đô rộng lớn của một nước đa số là Công giáo.

2.

Ngài coi việc cảnh báo là một bổn phận Chúa trao phó cho Ngài.

Trong bài giảng lễ tại Buenos-Aeres, ngày 4.9.2009, Đức Hồng y Jorge Bergoglio đã mở đầu bằng Lời Chúa nói với tiên tri Isaia: “Cứ lấy hết gân cổ mà kêu lên, đừng kìm hãm, kêu lớn tiếng lên như tù và, báo cho dân Ta hay tội ác của chúng, cho nhà Giacóp biết những lỗi lầm đã phạm” (Is 58,1).

Ngài cảnh báo thủ đô của Ngài, đồng thời, Ngài cảnh báo những ai được danh dự gọi các người khác là con cái mình. Ngài cảnh báo sự dửng dưng của họ trước cảnh khổ đau của dân.

Ngài trách: “Họ đã quên khóc, bởi vì chính họ đã bán con cái mình. Họ đã quên khóc, bởi vì chính họ đã loại trừ con cái mình. Họ đã quên khóc bởi vì chính họ đã đẩy con cái mình vào thân phận nô lệ”.

Ngài cảnh báo một tình hình đau đớn: “Chúng ta đã ra cứng lòng. Chúng ta đã đánh mất trái tim”.

3.

Hồi đó, Ngài nặng lời như thế. Hôm nay, Ngài vẫn cảnh báo một cách nghiêm khắc không kém. Chứng tỏ tình hình là nghiêm trọng.

Ngài quả quyết : “Khi trái tim đã ra xơ cứng, thì tâm hồn sẽ trở thành ác độc một cách mau lẹ”. Xem ra theo Ngài, khủng hoảng lớn nhất nơi nhiều mục tử hiện nay là ở trái tim.

Nhưng Ngài không bi quan. Ngài rao giảng niềm hy vọng vào Chúa giàu lòng thương xót. “Chúa sẽ ban tình yêu cho ta. Nhưng ta phải biết đón nhận, phải biết vun tưới, phải biết diễn tả”.

4.

Đọc những lời cảnh báo liên tục của Đức Thánh Cha Phanxicô, từ hồi Ngài còn là Hồng y cho đến hôm nay, tôi vừa lo sợ và cũng vừa hy vọng.

Lo sợ có lúc rất mạnh. Nhưng rồi bao giờ hy vọng cũng hiện lên sáng sủa. Bởi vì tôi thực sự đã cảm nghiệm thấy tình Chúa xót thương là vô cùng vô tận.

5.

Tôi thấy trong Hội Thánh tại Việt Nam, hiện tượng cứng lòng không phải là hiếm, hiện tượng đánh mất trái tim cũng không phải là ít, hiện tượng độc ác cũng có đó đây. Nhưng những hiện tượng như thế không xảy ra đều khắp, càng không tồn tại và phát triển một cách vững bền và cố chấp. Một dấu chỉ đáng mừng báo hiệu niềm hy vọng, đó là sự khiêm nhường.

6.

Sự khiêm nhường đang hình thành từ nhiều phía.

Phía đáng kể hiện nay là gương sáng về khiêm nhường của Đức Phanxicô. Ngài giản dị, khó nghèo, khiêm tốn, gần gũi. Các mục tử tại Việt Nam rất khâm phục Ngài.

Một phía đáng kể khác hiện nay là gương sáng về khiêm nhường của nhiều mục tử tại Việt Nam. Khiêm nhường nơi các ngài là sự các ngài chân thành nghĩ tới  những sai lầm của mình. Một trong những sai lầm, mà nhiều vị sám hối là sự các ngài nhiều khi đã để mình sa sút về đời sống nội tâm, do đó đã không nhận thấy rõ những khổ đau của con chiên mình, để cảm thương và để cứu họ.

Một trong những sai lầm khác mà nhiều vị lo sợ, là sự các ngài nhiều khi có thể đã dung dưỡng những thói quen xấu, mà các tư tế thời xưa đã tự hào, và đã bị Chúa Giêsu khiển trách, đó là thói quen đạo đức nặng về hình thức, căn cứ vào luật nọ luật kia, để tìm tư lợi, né tránh việc bác ái cứu người đau khổ.

7.

Những việc khiêm nhường trên đây là những khởi đầu tốt cho việc đổi mới Hội Thánh nói chung và đổi mới bản thân mục tử nói riêng.

Tội lỗi và yếu đuối đến mấy, nhưng có khiêm nhường, thì sẽ được ơn đổi mới. Trái lại, thành công và đạo đức đến mấy, nhưng không có khiêm nhường, thì sẽ mất hết.

Vì thế, lúc này, thiết tưởng chúng ta nên nhắc nhiều đến khiêm nhường. Bởi vì tình hình rất cần được đổi mới, đổi mới này phải nhờ ơn Chúa. Thánh Phêrô quả quyết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5).

8.

Tôi có cảm tưởng là những cảnh báo của Đức Thánh Cha Phanxicô đang nhắc lại những gì Đức Mẹ đã cảnh báo ở Fatima. Nếu nhắc lại đó lại có nghĩa như chuẩn bị cho một tai họa khủng khiếp đã được báo ở Fatima, thì chúng ta phải đón nhận lời cảnh báo của Đức Phanxicô với lòng khiêm nhường sám hối thành thực và khẩn cấp. Khiêm nhường nhất là niềm tin vào Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha nói: “Đức Giêsu không buộc anh chị em phải là Kitô hữu. Nhưng nếu anh chị em là Kitô hữu, thì anh chị em phải tin vào Chúa Giêsu. Một mình Người có sức mạnh đổi mới thế giới, đổi mới cuộc đời của anh chị em, đổi mới gia đình của anh chị em, đổi mới cộng đoàn của anh chị em, đổi mới tất cả mọi người. Đó là sứ điệp chúng ta phải mang theo mình ngay từ hôm nay. Chúng ta cầu xin Chúa Cha thương giúp chúng ta biết lắng nghe tiếng Thánh Thần, là Thánh Thần của Đức Giêsu, Đấng sẽ làm việc đó” (ĐHY. Bergoglio, lễ Thêm Sức ở nhà thờ thánh Lorensô, Rôma, ngày 18.02.2012).

9.

Với sứ điệp trên đây, chúng ta tin sẽ có đổi mới. Đổi mới cách nào đều sẽ do Chúa Giêsu. Vì thế, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy đón nhận sự đổi mới ấy và cộng tác vào sự đổi mới ấy bằng sự khiêm nhường. Khiêm nhường bằng sự sám hối, khiêm nhường trong tình yêu đón nhận, khiêm nhường trong tình yêu cho đi, để trở thành người con của Thiên Chúa là tình yêu, mở rộng Nước Chúa là Nước tình yêu, gắn bó với mọi người bằng tình yêu phục vụ liên đới.

Như vậy, cảnh báo của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi các mục tử đúng là một cảnh báo của tình yêu. Chúng ta khiêm nhường đón nhận như một ân huệ Chúa trao ban.

Hãy lo sám hối sửa mình, như một ưu tiên đổi mới.

Hãy cầu nguyện thực nhiều, để biết nhìn vào sự thực nơi chính mình, một sự thực đầy những yếu đuối.

Hãy cầu nguyện thực nhiều, để biết can đảm gỡ bỏ các thứ hào quang giả tạo, để khiêm tốn phó thác mình cho tình yêu thương xót Chúa.

Hãy cầu nguyện thực nhiều, để biết nhận thấy cái xà trong con mắt mình hơn là cái rác nơi con mắt người khác.

Hãy cầu nguyện thực nhiều, để biết trở về với Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường, tự nguyện chịu chết trên thánh giá, để cứu chuộc loài người. Hãy phấn đấu yêu thương như Chúa đã yêu thương.

Cúi xin Đức Mẹ Maria thương dẫn dắt chúng ta trên đường khiêm tốn “xin vâng”.

Nguồn: CGVDT